Diễn biến trận đánh Trận_Trafalgar

Kế sách của Nelson

Nelson cho dàn quân theo hai đường thẳng:

Cánh trái do chính mình chỉ huy, HMS Victory đứng đầu, dẫn theo 15 tàu theo sau mình, xuyên qua trung tâm hàng ngũ địch và tấn công phía sau. Cánh phải do Collingwood chỉ huy, HMS Royal Sovereign đứng đầu, dẫn theo 13 tàu theo sau mình, xuyên qua bên phải đội hình địch và tấn công phía sau.

Hiệu quả của kế sách này là làm chia cắt đội hình địch, địch bị phân tán. Từ đó, ta có thể tiêu diệt từng tàu một. Trong trận Camperdown (1797) và trận Vịnh St Vincent (cùng năm 1797), quân Anh sử dụng kế sách này và giành được chiến thắng. Tuy nhiên, theo nhận định của các sử gia, kế sách này trong trận Trafalgar lại phát huy hiệu quả cao nhất.

Sơ đồ trận Trafalgar

Trận đánh

Đợt tấn công của Collingwood

Cờ hiệu của Nelson trong trận Trafalgar, tạo thành câu nói: "Nước Anh kì vọng mọi người lính sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình."

Vào lúc 11:45, Nelson truyền lệnh cho các tàu bằng cờ hiệu: "Nước Anh kì vọng mọi người lính sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình."

"Ngài Pasco, tôi muốn truyền lệnh cho hạm đội: Nước Anh kì vọng mọi người lính sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Ngài phải nhanh lên trước khi hai bên giao chiến với nhau."

(Đô đốc Horatio Nelson, trước trận Trafalgar, 21-10-1805)

Gần trưa, Villeneuve phát lệnh tấn công, Fougueux bắn loạt đạn đầu tiên vào tàu Royal Sovereign. Khi đó, hàng ngũ của Collingwood nhanh hơn Nelson do thuận gió. Lúc Royal Sovereign áp sát tàu địch, nó nằm trong tầm bắn của Fougueux, Indomptable, San Justo và San Leandro. Lúc 12:00, Royal Sovereign áp sát Santa Anna, nó bắn một loạt đạn làm Santa Anna bị tổn thất nặng. Phía sau Royal Sovereign là tàu Beliesle. Nó bị bao vây bởi 4 tàu L'Aigle, Achilles, Neptune và Fougueux. Suốt 45 phút trước khi đồng đội tới cứu, nó không thể di chuyển. Những thủy thủ trên tàu Beliesle đã chiến đấu anh dũng, và giữ được lá cờ.

Đợt tấn công Nelson. Bucentaure biến thành "đồng nát"

Chiến hạm Nhân Mã (Bucentaure) của Villeneuve

Lúc này, HMS Victory của Nelson đang trong tầm bắn của 4 tàu địch: Heros, Santissima Trinidad, Neptune và Redoutable. Trong suốt 40 phút, Victory phải hứng chịu nhiều phát đạn, một số thủy thủ chết và bị thương nặng. 15 phút sau khi Royal Sovereign nã đạn vào Santa Anna, lúc 12:45, Victory xuyên qua Bucentaure và Redoutable, nã đạn vào sau tàu của Villeneuve (Bucentaure), làm nhiều thủy thủ, sĩ quan trên tàu thiệt mạng và bị thương nặng. Bản thân Bucentaure - niềm tự hào của Pháp khi đó, giờ không khác nào đồng nát ve chai. Trong suốt trận đánh, nó chỉ đứng yên một chỗ như một con bù nhìn, hay nói đúng ra là nó vô dụng.

"Nelson làm cái quái gì ở đây nhỉ?" - Cuthbert Collingwood - trong trận Trafalgar.

Nelson áp sát Redoutable

Redoutable (giữa) bị hai tàu Victory (trái) và Temeraire (phải) áp sát

Sau cú tấn công chí mạng vào Villeneuve, Victory của Nelson áp sát tàu Redoutable của Pháp. Redoutable do Thuyền trưởng Jean Jacques Etienne Lucas chỉ huy. Trên tàu có nhiều thủy thủ, sĩ quan dày dặn kinh nghiệm, con át chủ bài của Liên quân trong trận đánh. Nelson biết rõ điều đó và ông muốn diệt con tàu 74 pháo này bằng mọi giá.

Giây phút Nelson bị bắn.

Lúc 13:05, Nelson đã áp sát Redoutable. Thuyền trưởng Lucas cho các xạ thủ tập trung hết trên cột buồm và mạn trái tàu, tìm và giết Nelson bằng mọi giá. Các sĩ quan đi theo Nelson thấy lo ngại nên bảo ông thay quân phục khác (vì ông đeo huân chương quá nhiều trên áo, địch sẽ biết ngay ông là Đô đốc). Nhưng Nelson không muốn và ông nói rằng nếu có chết thì phải chết trong bộ quân phục đẹp nhất, nên các sĩ quan của ông cũng phải bỏ qua. Thế nhưng, chính bộ đồ của ông lại gây ra tai họa cho chính ông. Lúc 13:15, một xạ thủ trên tàu Redoutable phát hiện một người đàn ông mặc quân phục có huân chương sáng lóa trên ngực. "Đó chính là Nelson!! Giết hắn đi!!" Không bỏ lỡ cơ hội, tên xạ thủ vô danh đó bắn một phát đạn xuyên vai vị Đô đốc. Nelson ngã gục tại chỗ. Các sĩ quan hốt hoảng không biết phải làm sao. Nelson vẫn bình tĩnh nói: "Tôi không thể để quân sĩ nhìn tôi bị thương thế này được. Nếu thế, họ sẽ mất tinh thần chiến đấu. Hãy che mặt tôi lại." Các sĩ quan và một số thủy thủ gần đó lấy khăn che mặt ông lại và khiêng ông vào kho quân lương trong tàu.

Cuộc giao tranh giữa Victory và Redoutable vẫn ác liệt cho đến khi Temeraire (98 pháo) áp sát mạn phải của Redoutable và bắn đại bác liên hồi vào nó, làm nó bị tổn thất nặng. Lucas và các thủy thủ vẫn cố gắng bám trụ cho đến khi chính hắn và 99 thủy thủ còn lại trong tổng số 643 thành viên thủy thủ đoàn đầu hàng lúc 13:55. Với thương vong lên đến 543 thủy thủ, nó là con tàu có số thương vong cao nhất trận đánh.

Diễn biến từ 14:30 đến cuối trận đánh

Santa Anã (112 pháo), một trong những tàu chiến Tây Ban Nha tham chiến trận Trafalgar

Kể từ 14:30, có nhiều tàu Anh tham chiến hơn, từng chiếc chiến hạm của Liên quân bị bắt giữ hoặc bị đánh chìm. Vào khoảng chập tối, có một trận bão lớn ập tới. Một số tàu Liên quân bị Anh chiếm giữ do không thể chống chọi với bão lớn nên binh sĩ Anh phải đánh chìm. Những tàu đó nếu may mắn thì cũng trôi dạt trên đảo hoang rồi chờ mục rữa.

Tính đến trong trận đánh và trong cơn bão sau trận đánh, quân Liên quân bị mất 21 tàu. Trong đó, 2 tàu bị đốt (Intrepide và San Augustin), 2 tàu bị phá dỡ (Santissima Trinidad và Argonauta), 1 tàu bị nổ tung (Achilles), 4 tàu bị phá hủy trong bão (L'Aigle, Berwick, Fougueux và Monarca), 1 tàu bị chìm trong lúc quân Anh dời đi (Redoutable) cùng với 11 tàu khác bị quân Anh chiếm làm chiến lợi phẩm. Số thương vong của Liên quân là 13.781 người, với Pháp là 2.218 chết, 1,155 bị thương và 4.000 bị bắt, còn TBN là 1.025 chết, 1.333 bị thương và 4.000 bị bắt. Trong số 8.000 tù nhân Liên quân mà Anh bắt giữ, 3.000 người đã chết đuối trong cơn bão.

Còn quân Anh, họ không mất chiến hạm nào, họ chỉ có số thương vong là 1.666 người, với 458 chết và 1.208 bị thương.

Cái chết của Nelson

Cái chết của Nelson

Khi Nelson bị bắn vào lúc 13:15, các sĩ quan và thủy thủ khiêng vào kho quân lương trong tàu HMS Victory. Các bác sĩ trên tàu đã tận lực cứu chữa để kéo dài sự sống cho ông. Nelson luôn hỏi han về tình hình chiến sự bên ngoài mỗi giờ mỗi phút. Sau khi nghe tin Villeneuve và người của ông ta đã đầu hàng, quân Anh thắng trận, Nelson vừa vui vừa buồn vì mình sắp lìa xa cõi đời. Nelson nói với Hardy - người cận thần của ông: "Ông hãy hôn tôi đi, Hardy!", rồi Hardy khẽ hôn nhẹ lên má ông. Sau đó, Nelson hấp hối nói lời trăn trối:

"Ơn Chúa! Tôi đã hoàn thành...nghĩa vụ của mình....Giờ tôi có thể...yên nghỉ được rồi....."

Vào lúc 16 giờ 30, 3 tiếng 15 phút sau khi ông trúng đạn, Nelson - người anh hùng hải quân một thời của Anh, của nước Anh, của cả dân tộc Anh, đã từ giã cõi trần. Sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống không nhỏ cho cả nước Anh. Chính đại thắng Trafalgar của ông đã làm phá sản mưu đồ thôn tính Anh quốc của Napoleon, từ đó nước Anh được yên bình trong hàng thập kỉ tiếp theo. 10 năm sau, năm 1815, chiến thắng Waterloo của Liên minh Anh-Phổ đã chấm dứt sự bành trướng của Napoleon và Đệ nhất Đế chế Pháp. Nelson được coi như là anh hùng dân tộc của nước Anh

Ngày 9 tháng 1 năm 1806, lễ quốc tang của ông được tổ chức long trọng tại thủ đô Luân Đôn, Anh. Sau đó, thi hài ông được an táng tại Thánh đường Thánh Phao-lô và quan tài của ông vẫn còn tồn tại đến ngày nay.